Do phước nghiệp không đồng nên con người có thân tướng, lời nói, vóc dáng khác nhau, không ai giống ai cả. Người giàu sang, kẻ nghèo khổ, người sống thọ, kẻ chết yểu, người thông minh, kẻ ngu dốt cũng từ đó mà ra.
Từ Châu Âu, tôi sang Mỹ. Hình như là năm 1988. Lúc đó chị gái tôi đang sống ở San Bernadino, California. Chị tôi đang bị ung thư giai đoạn cuối. Rất yếu rồi nhưng chị luôn mỉm cười. Tôi sang ở với chị và chăm sóc chị cho đến lúc chị qua đời. Sau đó, tôi đi thăm các chùa khắp California và Mỹ. Hồi đó không có nhiều chùa lắm. Khắp California chỉ có vài chùa lớn.
Vòng quanh châu Âu rồi sang Mỹ, tôi thấy rõ con người các quốc gia, các châu lục là nhóm tập khí, nhóm nghiệp khác nhau.
Họ biểu hiện ra khác nhau nhưng họ giống nhau là đều bị nghiệp lực lôi kéo vào khổ.
Cái khổ của họ giống nhau.
Cái tham, sân, và luyến ái của họ giống nhau.
Sự dính mắc giống nhau. Họ theo đuổi tiền bạc, tình yêu - và khổ nhiều vì chúng.
Nếu họ bỏ thế gian để theo đuổi tôn giáo, tâm linh thì lại cũng có tham và dính mắc trong tâm linh. Vẫn là khổ.
Chân pháp, tức sự thật, thì vượt lên cả hai - cả đường lối tâm linh, tôn giáo. Thế nên chân Pháp có thể giúp con người thuộc mọi văn hoá, mọi đất nước, mọi tôn giáo một cách không phân biệt. Chân pháp thì không phụ thuộc vào văn hoá, quốc gia.
Làm người sợ nhất là hưởng hết phước báo mà không tạo ra phước mới. Muốn nhận được thì trước tiên bạn hãy học cách cho đi.
Đi qua các văn hoá khác nhau giúp tôi hiểu cách sống của con người để có thể giúp đỡ họ tuỳ theo nghiệp của họ, tức là tuỳ chỗ mà họ mắc kẹt. Sống ở Mỹ giúp tôi trở nên linh động hơn nhiều so với hồi ở Thái. Người Mỹ thích ôm hôn khi chào hỏi người thân. Họ ôm hôn cả nhà sư hay linh mục mà họ thân thiết. Bà hàng xóm của tôi, Barbara, mỗi khi gặp tôi đều ôm lấy tôi. Các Phật tử Mỹ cũng thế. Ở Thái thì Phật tử không được phép chạm vào nhà sư. Phật tử nữ thì không được ngồi gần chư Tăng. Ở Mỹ, có lúc tôi còn đá bóng cho khoẻ người ( cười ). Ở Thái thì chư Tăng không được đá bóng.
Sau khi chị tôi qua đời, tôi rời Mỹ trở lại châu Á nhưng chưa về Thái. Tôi đi thăm Singapore, Malaysia và Indonesia. Ở những nơi này, mỗi lần tôi giảng pháp đều có cả ngàn người tới nghe. Tôi không rõ làm sao họ biết. Lúc đó không có Internet nhưng họ vẫn biết.
Ở những nơi này, người dân theo nhiều tôn giáo. Đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Hồi, đạo địa phương. Tôi không nói pháp gì cao siêu. Tôi nói những điều đơn giản trong cuộc sống. Tôi nói bản chất cuộc sống thế gian là gì. Tại sao chúng ta không nên ảo tưởng và dính mắc vào đời sống thế gian, từ cái ăn, cái mặc, cái ở, các mối quan hệ, rồi tiền bạc, danh tiếng.
Đời sống này thực sự liên tục biến đổi theo duyên và đi qua rất nhanh, nó không bao giờ mang lại sự toại nguyện hay hạnh phúc đích thực. Cuộc đời ta có thể đang rất ổn thỏa nhưng khi đủ duyên thì nó lập tức biến đổi. Sự ổn thoả đột ngột biến mất và rắc rối ập xuống, chồng chất. Hôm nay khoẻ, mai ốm quỵ. Hôm nay có mọi thứ, mai mất mọi thứ.
Nếu ta không chuẩn bị để tâm an ổn trong mọi biến cố lên xuống thịnh suy của đời sống thì ta sẽ luôn vật vã trong các cơn sóng khổ đau. Nếu ta không tìm Pháp, không tìm sự thật để có bình an nội tâm thì ta đang để mất phước báu lớn nhất khi được sinh ra làm người. Hãy dùng đời sống làm người này để tìm ra hạnh phúc đích thực. Hạnh phúc đích thực sẽ đến khi thấu pháp. Khi thấy sự thật. Một đời sống không có pháp làm nền tảng sẽ đau khổ rất nhiều.
Thiền sư Yantra Amaro