nh_ba_web_1

NĂM ĐỨC CỦA NGƯỜI XUẤT GIA - (NGŨ ĐỨC SA DI)

NĂM ĐỨC CỦA NGƯỜI XUẤT GIA

Hòa Thượng: Thích Minh Thiện- Phó BHPTW

z2613648886358_921f99586f2bf4592be0a0a89ce64f95

 1. DẪN NHẬP

Tổ Quy Sơn có dạy: “Phù xuất gia giả phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân bạt tế tam hữu. Nhược bất như thử lạm xí Tăng luân”[1]. Lại có câu “Xuất gia có 3 nghĩa: xuất thế tục gia, xuất phiền não gia và xuất tam giới gia. Do đó, tìm hiểu về năm đức của người xuất gia cũng là dịp người tu phật có thêm sự thẩm thấu về lời tổ quy sơn đã dạy và ý nghĩa của sự xuất gia của mình vậy.

2. NỘI DUNG:

Theo từ điển Thiều Chữu, chữ Đức (德) có nghĩa là đạo đức, là cái đạo để lập thân, là thiện, là ân, là cái khí tốt ( vượng) trong 4 mùa. Nho gia cho rằng: Đức là cái gốc của muôn hạnh, cũng là cái gốc của người lập thân.(Đức giả bổn dã). Theo đó mà suy: Năm đức của người xuất gia chính là một trong những nền tảng để lập công hạnh xuất thế.       Kinh Phước Điền gọi năm đức nầy là Năm Tịnh Đức; ý nói là năm hạnh thanh tịnh của người mặc Pháp y. nhờ hành xử ứng hợp với năm đức nầy mà người xuất gia được xưng tán là bậc mô phạm của trời người, là ruộng phước điền.

Lời ký trong Sa di luật giải của HT. Hành Trụ có ghi: “Người xuất gia chẳng bị thế lực nhà vua ép bức, chẳng vì tham cầu mạng sống, chẳng vì lánh nạn, chẳng vì thiếu nợ, vốn vì mong cầu Chánh Pháp, vì lòng chánh tín mà vào trong cửa Phật pháp nên gọi là Hảo Tâm Xuất Gia”

Huỷ hình thủ chí tiết,

Cát ái từ sở thân,

Xuất gia hoằng Thánh đạo

Thệ độ nhất thiết nhân

Người hảo tâm xuất gia phải là người có đầy đủ năm tịnh đức:

  1. Nhất giả phát tâm xuất gia, hoài bội Đạo cố
  2. Nhị giả hủy kỳ hình hảo, ứng pháp phục cố
  3. Tam giả cát ái từ thân, vô thích mạc cố.
  4. Tứ giả hủy khí thân mạng, tôn sùng Đạo cố.
  5. Ngũ giả Chí cầu Đại thừa, vị độ nhân cố.
  6. Nhất giả Phát tâm Xuất gia, hoài bội Đạo cố:

(Một là, Phát tâm xuất gia vì thiết tha với Đạo Pháp)

Theo đức trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang để dịch trọn ý về năm đức của người xuất gia trên ta nên giải thích thêm như sau:

            Thứ nhất, vì cảm mến đạo pháp có năng lực diệt khổ, có phương pháp cứu người nên phát tâm xuất gia, nghĩa là quyết chí mong cầu giải thoát mà thoát ly gia đình.

Bàn về sự phát tâm trong Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn của Ngài Tĩnh Am Đại Sư có ghi: “Từng nghe Cửa thiết yếu vào Đạo lấy sự phát tâm làm đầu, việc cấp thiết tu hành đặt sự lập nguyện ở trước. Nguyện có lập thì chúng sanh có thể độ; tâm có phát thì Phật đạo mới kham thành. Nếu không phát tâm rộng lớn, lập nguyện kiên cố thì dẫu trãi qua trăm ngàn muôn kiếp vẫn mãi quẩn quanh trong vòng luân hồi. Dù có tu hành chỉ luống công khổ sở”

Quá khứ Chư Phật, Chư Tiền bối đều nhờ phát quảng Đại Tâm, lập kiên cố nguyện mà thành tựu Vô thượng Bồ Đề ( như Phật Di Đà với 48 lời nguyện, Phật Dược Sư với 12 lời nguyện,…) Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng vì nguyện độ chúng sanh mà phát tâm tìm con đường cứu khổ muôn loài, cũng chính vì Đại nguyện rộng lớn ấy mà Ngài đã vượt qua mọi gian khổ, đạt được quả vị Chánh đẳng Chánh Giác. Cho nên, có thể nói việc phát tâm lập nguyện đối với người xuất gia rất cần thiết và quan trọng. Bỡi lẽ, ba đời Chư Phật ở tại thế gian tu tập thành Phật đều hiện tướng xuất gia, không có Đức Phật nào không xuất gia mà thành tựu Đạo quả.

Sự phát tâm xuất gia chính là do lòng cảm mến Đạo giải thoát, ý thức rõ về lý tưởng mà mình đã chọn, là con đường Trung Đạo đưa đến an lạc, hạnh phúc. Hay nói khác đi, hoài bội Đạo cố có nghĩa là hoài bội lý tưởng giác ngộ, giải thoát cho chính bản thân mình.

  1. Nhị giả Hủy Kỳ Hình Hảo, Ứng Pháp Phục cố.

(Xã bỏ hình tướng tốt đẹp để xứng với Pháp phục)

Thứ hai, vì để phù hợp với pháp y thanh tịnh mà trang nghiêm nên hủy bỏ hết những phục sức hoa lệ, những trang điểm duyên dáng nơi thân hình.

Trong khi thế gian xem sắc đẹp là một trong những khát ái bức thiết của con người thì đối với người xuất gia, việc xã bỏ hình tướng tốt đẹp là Đức thứ hai cần phải hoàn thiện. Nên biết rằng vì sắc ái mà con người phải ngày đêm bận bịu, vất vả trăm bề, bao mưu toan và tội lỗi cũng từ đấy phát sinh. Trong Kinh Di Giáo Đức Phật có dạy rằng: “Tỳ kheo các ông! Hãy tự xoa đầu mình đã bỏ những đồ trang sức và đồ tốt đẹp, mình mặc áo hoại sắc, tay cầm đồ thích ứng, khất thực để sống, tự thấy như vậy mà kiêu mạn còn khởi lên, thì phải mau diệt nó đi

Người xuất gia là người đi ngược dòng sanh tử, mang trong mình chí nguyện xuất trần nên trong mọi thời khắc phải tự kiểm điểm mình, luôn luôn cảnh giác với mọi sự cám dỗ thế tục, thường tưới tẩm hạt giống giác ngộ ngay trong tự tâm của mình. Gương xưa chính Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni và Lịch đại Tổ Sư của chúng ta, lấy sự nghiệp trí tuệ làm chính yếu. Tổ Quy Sơn dạy rằng: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục”. Mục đích của việc hủy kỳ hình hảo không chỉ là để giảm thiểu lòng tham ái của người xuất gia đối với tấm thân ngũ uẩn, mà còn để cho phù hợp với pháp y của người tu sĩ. Bàn về pháp y, chúng ta thấy người xuất gia thường trang bị cho mình hai loại pháp phục:

  1. Pháp phục là Pháp y: tức chỉ cho y cắt rọc, vải thô sơ, nhuộm màu hoại sắc, có những đường viền như những thửa ruộng.
  2. Pháp phục về Thiện Pháp: Áo pháp nầy giúp người học Đạo trang nghiêm pháp thân, loại bỏ được những phiền não lậu hoặc, hướng đến con đường giác ngộ.[2]

Ngoài ra, Pháp phục của người xuất gia cũng chính là giải thoát phục và phước điền y. Vì muốn làm ruộng phước cho nhân gian, làm tăng trưởng các thiện pháp và nuôi lớn giới thân huệ mạng mà người xuất gia phải từ bỏ mọi hình thức trang sức để khoác lên mình các loại Pháp y nầy. Trong Kinh Pháp Cú, kệ thứ 9 Đức Phật dạy:

“Ai mặc áo Ca Sa

Tâm chưa rời uế trược

Không tự chế, không thật

Không xứng áo Ca sa”

  1. Tam giả Cát Ái Từ Thân, Vô Thích Mạc Cố

( Ba là Cắt đứt sợi dây ân ái vì không còn thân sơ)

             Thứ ba, vì không còn phân biệt ai quyến thuộc, ai xa lạ, ai thân, ai sơ, mà tất cả đều đau khổ và mình có nhiệm vụ cứu độ, nên cắt bỏ ân ái, từ giã thân thuộc.

Kinh Trung Bộ số 26, Bài Kinh Thánh Cầu có thuật lại những suy tưởng của Đức Phật về đời sống tại gia và xuất gia như sau: “Khi ta còn là Bồ tát, ý tưởng nầy khởi lên trong trí ta: Đời sống tại gia mới thật chứa đầy bất tịnh, thật là chật hẹp. Còn đời sống xuất gia thì tự do như bầu trời khoáng đạt. Thật không dễ gì cho người gia chủ sống đời phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh và thánh thiện viên mãn. Giả sử nay ta cắt bỏ râu tóc, khoác áo Sa môn, xuất gia từ giã gia đình, sống không gia đình

Tuy nhiên, việc cắt ái từ thân của người xuất gia không có nghĩa là thiếu bổn phận và trách nhiệm với người thân, mà chính là để lập nguyện cao xa như lời dạy trong Quy Sơn Cảnh Sách:

“Thiệu long Thánh chủng.

 Chấn nhiếp ma quân.

 Dụng báo Tứ Ân.

 Bạt tế tam hữu”

Hơn nữa, theo quan niệm của Phật giáo thì tất cả chúng sanh đều là cha mẹ, thân bằng quyến thuộc của chúng ta từ vô lượng kiếp. Chúng ta không thể vì cái ơn trong hiện tại mà quên đi cái ơn trong quá khứ, lại càng không thể vì tình cốt nhục trong một đời mà quên đi nhiều đời. Có câu: “Nhất nhơn hành Đạo,Cữu huyền thăng”. Hay như lời Cổ Đức thường nói:

“Nhất bát thiên gia phạn

Cô thân vạn lý du

Kỳ vi sanh tử sự

Giáo hóa độ xuân thu”[3]

  1. Tứ giả, Hủy Khí Thân Mạng, Tôn Sùng Đạo Cố:

 (Xả bỏ thân mạng vì tôn sùng Đạo Pháp) “kể chuyện về Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu để bảo vệ chánh pháp”

Thứ tư, vì quý trọng chánh pháp, tha thiết muốn học hỏi chánh pháp, tu hành chánh pháp, truyền bá chánh pháp, nên khinh thường tánh mạng, không kể sức khỏe, không tiếc năng lực, không từ gian lao, nguy hiểm.

Thân mạng là cái mà người đời rất trân quý, Phật giáo cũng không hề phủ nhận tầm quan trọng của thân mạng. Trong Kinh Thủy Sám có ghi: “Thân người khó được[4]. Song yêu quý thân mạng không có nghĩa là chúng ta phải chiều chuộng và đáp ứng mọi nhu cầu tham dục của bản thân. Đó là việc làm thường tình của người thế tục và đó cũng là cái nhân trong luân hồi lục đạo. Trong Kinh Pháp Cú, kệ 115, Đức Phật có dạy:

“Ai sống một trăm năm.

Không thấy Pháp sanh diệt.

Không bằng sống một ngày.

Thấy được Pháp sanh diệt”.

Lại nữa Đức Thế tôn có dạy: “Cái khổ của con lạc đà, của lừa, của ngựa chở nặng mãn kiếp; cái khổ trôi lăn trong tam giới chưa gọi là khổ. Ngu si không trí tuệ, không  biết hướng đi đó mới gọi là khổ”[5]

Giáo lý của Đạo Phật quan niệm rằng: Tất cả các Pháp đều không thật và chịu sự chi phối của vô thường, sinh diệt. Thân mạng cũng không ngoại lệ, cuộc tìm cầu chân lý của Thái Tử Siddhattha cách đây hơn 25 thế kỷ là một minh chứng hùng hồn cho tinh thần xã thân cầu Đạo. Lời đại nguyện dưới cội Bồ đề: “Ngã kim nhược bất chứng đắc Vô thượng Bồ Đề, ninh khả toái thị thân chung bất khởi thử tọa” (Nếu không đắc Đạo thì dù thịt nát xương tan quyết không rời khỏi chỗ nầy) là một bài học sống cho chúng ta suy nghiệm.

  1. Ngũ giả, Chí Cầu Đại Thừa, Vị Độ Nhân cố

( Năm là, Chí cầu Đại Thừa vì cứu độ chúng sanh)

Thứ năm, vì để cứu độ tất cả nên quyết chí cầu pháp đại thừa để có đủ phương pháp mà tự giác giác tha.

Đại thừa tiếng Phạn là Mahayana, nghĩa là Pháp rộng lớn, là Pháp siêu việt cả về thời gian và không gian, có khả năng lợi ích nhiều người, giúp chúng sanh và Bồ tát thành tựu Phật quả. Hay nói cách khác, Đại thừa là con đường đưa chúng sanh thẳng nhập Phật thừa, nghĩa là: “Khai Thị chúng sanh, ngộ nhập Phật tri kiến

Cũng chính vì cầu Vô thượng Bồ đề để giúp chúng sanh Ngộ Nhập Tri Kiến Phật mà Thái tử Siddhattha đã vượt thành xuất gia, sống cuộc đời phạm hạnh. Trên bước đường tìm cầu chân lý, Ngài đã gặp không ít khó khăn, chướng nạn. Nhưng bằng ý chí cùng nghị lực và hơn hết vì Đại nguyện lớn lao nên Ngài đã dấn thân trên con đường gian khổ ấy, suốt 49 ngày đêm tham thiền nhập định, đến đêm thứ 49 khi sao mai vừa mọc, Ngài đã chứng quả Vô Thượng Bồ Đề.

Kinh Bát Đại Nhân Giác có dạy:

“Sanh tử thiêu đốt, khổ não vô lượng.

Phát tâm Đại thừa, độ khắp tất cả

Nguyện thay chúng sanh, chịu vô lượng khổ

Khiến các chúng sanh, được an lạc rốt ráo”

Tất cả những gì mà  Chư Phật Tổ làm đều nhắm vào mục đích lợi lạc cho tha nhân. Trong Giới Luật học Cương Yếu, tr 221 Hòa thượng Thánh Nghiêm có nói rằng: “Người xuất gia là Trưởng tử của Như Lai, nên lúc nào cũng phải tâm niệm ba điều – Đối với chính mình thì cầu giải thoát sinh tử, đối với chúng sanh thì dẫn dắt họ đi đến an lạc, giải thoát; đối với Phật Pháp phải có trách nhiệm duy trì và phát triển, Ba điều nầy rất cần thiết cho một hành giả muốn viên mãn quả vị Bồ đề. Cho nên nói, xuất gia mà không tự cầu thoát ly sanh tử thì chẳng cần phải xuất gia; xuất gia mà không cảnh tỉnh, dẫn dắt chúng sanh ấy là trái với tinh thần ‘Phật Pháp giáo hóa thế gian’ và xuất gia mà không thụ trì Phật Pháp ấy là cô phụ ân đức lớn lao của Chư Phật”

3. KẾT LUẬN

Như trên đã nói năm đức của người xuất gia hàm tàng ý nghĩa xuất gia là từ bỏ tất cả: bỏ gia đình, bỏ hình đẹp, bỏ bà con, bỏ thân mạng, bỏ cả tự lợi. Lập chí nguyện lớn vì chánh pháp và vì muôn loài mà bỏ tất cả, đó là tư cách, là đức tính của người xuất gia.

Cũng có thể nói năm Đức của người xuất gia là “Lập Tín, Lập Hạnh, Lập Nguyện” rất quan trọng của người đệ tử phật, là nét đẹp thanh cao của người xuất gia, là nền tảng căn bản trên con đường tu tập giải thoát và vì chúng sanh vạn loài. Cho nên trên con đường cầu Đạo Bồ đề, hành giả phải dốc chí tu hành, quyết phải đạt cho được chí nguyện của mình. Đồng thời phải có trách nhiệm tiếp nối chư Tiền bối gánh vác sự nghiệp hoằng hóa độ sanh, giữ vững giềng mối Đạo Pháp để Chánh Pháp được trường tồn, để không cô phụ chí nguyện của người xuất gia Tác Như Lai xứ, hành Như Lai sự./.

NAM MÔ THƯỜNG HOAN HỶ BỒ TÁT MA HA TÁT.

z2613650523361_71ddb5e11a1c7d743bf07d93b6232e06

                                                Mùa An Cư Kết Hạ PL.2565 -  DL.2021

[1]Trích “ Quy sơn cảnh sách”

[2] Kinh Pháp Hoa còn dạy “Y nhu hòa nhẫn nhục”.

[3] Hạnh du hóa của người xuất gia.

[4] Nhơn thân nan đắc, phật pháp nan văn, đạo tràng nan ngộ, xuất gia nan thành.

[5] Trích kinh Trung bộ.

Đánh giá

15890422702910_banner_le_phat_dan.990graphic41.990banner4.990nh_ba_web_new_3_-_sao_chp.990
LIÊN KẾT TRANG PHẬT GIÁO LONG AN
thit_k_khng_tn.990
LIÊN KẾT TRANG PHẬT GIÁO ĐỨC HOÀ
bia_duc_hoa.990
LIÊN KẾT TRANG PHẬT GIÁO CẦN ĐƯỚC
bia_can_duoc.990
1.9902023.990501.9906.9903.990
Thông tin phản hồi
Họ và tên
Địa chỉ Emai
Số điện thoại
Nội dung phản hồi

 
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 13
Trong ngày: 54
Trong tuần: 431
Lượt truy cập: 164530

Trang tin điện tử Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Huyện Đức Huệ

Văn phòng Ban Trị Sự huyện Đức Huệ

Ban Thông tin Truyền thông – Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam huyện Đức Huệ
Cố vấn: Thượng toạ Thích Thiện An
Biên tập - Nội dung: Thích Thiện Đăng
Địa chỉ: Chùa Linh Châu - Ấp 4, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, Việt Nam

  Hỗ trợ bởi Thích Thiện Đăng

© Bản quyền thuộc về phatgiaoduchue.org