I. DẪN NHẬP:
Truyền bá chánh tín đến cư sĩ phật tử và mọi người là hạnh nguyện của người xuất gia đệ tử Phật[1]. Khác với trước đây năm nào Ban hoằng Pháp TW.GHPGVN cũng tổ chức các Khóa tập huấn hoặc Hội thảo về hoằng pháp. Nhưng kể từ đại dịch Covid-19 lây lan phức tạp thì các sinh hoạt chung của xã hội và Giáo hội PG chúng ta có cân nhắc hạn chế hoặc chuyển sang hình thức Online. Năm nay HT. Thích Bảo Nghiêm, PCT.HĐTS- Trưởng Ban Hoằng pháp TW.GHPGVN cũng chỉ đạo thượng tọa Thích Minh Nhẫn cùng Êkips Phật sự Online tổ chức “Khóa tập huấn Nghiệp vụ Hoằng Pháp Online”. Nhìn chung chương trình tập huấn nhắm đến chia sẻ những kỹ năng Tổ chức Hoằng pháp, Quản lý hội chúng Hoằng pháp, Đối tượng Hoằng pháp, Thời đại Hoằng pháp, Hoằng pháp và Phương tiện Hoằng pháp…
Chúng tôi được ban tổ chức phân công đề tài “Kỹ năng tổ chức khóa tu dành cho cư sĩ phật tử”, mặc dù không phải là người được trải qua trường lớp về Kỹ năng tổ chức sự kiện, nhưng vì hạnh nguyện của mình và được tham gia ngành Hoằng pháp TWGHPGVN mấy mươi năm qua nên chúng tôi nhận chia sẻ đề tài với hai trọng tâm như sau: – Quan điểm tổ chức khóa tu cho cư sĩ phật tử.
Những điều cần lưu ý khi tổ chức khóa tu cho cư sĩ phật tử
II. NỘI DUNG:
Quan điểm tổ chức khóa tu dành cho cư sĩ phật tử:
Người xưa có câu “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”, như thế tổ chức hội chúng tu học là điều cần thiết để người phật tử nuôi lớn niềm chánh tín Tam Bảo, người phật tử có bạn đồng hành, đồng nguyện tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống và phát triển cộng đồng phật tử…Muốn như thế chúng ta cần quan tâm tổ chức sự học và sự tu cho phật tử, khi tổ chức khóa tu cho phật tử cho dù hội chúng ít hay nhiều, phật tử thuộc đạo tràng nào, thuộc giới nào… “Tri hành hợp nhất” nên nhất thiết phải có giảng giải yếu chỉ phật pháp thích hợp với khóa tu đó[2]. Sự học trong khóa tu giúp phật tử hiểu hơn về sự tu của mình, sự tu đem đến kết quả lợi lạc thân tâm cho hành giả (tu sinh) sau khóa tu học và mong đợi khóa tiếp theo…
1. Những hình thái khóa tu truyền thống của cư sĩ phật tử đang phổ biến:
1.1 Ngày tu Bát quan trai,
1,2 Ngày tu An lạc,
1.3 Ngày trì tụng Kinh Pháp Hoa,
1.4 Ngày trì tụng Kinh Địa Tạng,
1,5 Ngày trì Chú Đại Bi,
1.6 Ngày Niệm Phật,
1.7 Ngày lễ Hồng Danh Phật,
1.8 Ngày tu cho người Khiếm thị và Khuyết tật,
1.9 Khóa tu mùa hè,
1.10 Khóa tu dành cho thanh thiếu niên phật tử,
1.11 Khóa tu phật thất,[3]
1.12 Khóa tu thiền Bắc truyền,
1.13 Khóa tu thiền Nam truyền,
1.14 Khóa tu gia hạnh Mùa khánh đản, Mùa hiếu hạnh, Mùa thành đạo …
2./ Những mô hình tu tập cho cộng đồng ta nên hướng đến:
Nói đến mô hình tu tập cho cộng đồng là ý tưởng đem tinh thần phật pháp vào đời “Phổ tế chúng sanh”không phân biệt là người phật tử hay chưa phật tử mà chỉ cần họ đến để tìm hiểu phật pháp có ứng dụng vào đời sống an vui, hạnh phúc, thành công cho họ hay không[4] như:
2.1 Khóa tu dành cho công nhân,
2.2 Khóa tu dành cho doanh nhân,
2.3 Khóa tu dành cho sinh viên,
2.4 Khóa tu dành cho người đã nghỉ hưu, …
3./ Tổ chức khóa tu học bằng phương tiện Online:
Trong bối cảnh thế giới và xã hội nước ta đang xử dụng phương tiện truyền thông hiện đại thì GHPGVN chúng ta cũng áp dụng những chương trình Phật sự Online. Năm nay Ban Hoằng pháp TƯ.GHPGVN phối hợp cùng Êkips Phật sự Online tổ chức Khóa tập huấn Online “Nghiệp vụ Hoằng pháp thời đại 4.0 cho Chư tăng ni ngành Hoằng pháp và “Khóa Học pháp Online Phật học cơ bản” cho cộng đồng phật tử[5] là việc làm thiết thực cho Sứ mạng Hoằng pháp trong thời phòng chống đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, chúng ta cần cẩn trọng giữ gìn mối quan hệ truyền thống “Mái chùa che chở hồn dân tộc – Nếp sống muôn đời của tổ tông”. Khi tình hình dịch bệnh chấm dứt các tự viện hãy tạo nhân duyên để phật tử, gia đình phật tử cùng nhau đi chùa lễ Phật, nghe kinh, vãng cảnh và thanh tịnh thân tâm như lời Phật dạy. Nhất là các ngày lễ trọng của PG như: Đản sanh, Vu lan, Thành Đạo…
Mục đích cao cả nhất khi tổ chức khóa tu đó chính là hạnh nguyện hoằng pháp lợi sinh, truyền bá chánh tín đến với các giới phật tử và cộng đồng xã hội, góp phần bảo tồn truyền thống văn hóa Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc[6]. Do thế, người tổ chức khóa tu nghiên cứu điều kiện cần thiết cho một khóa tu như: về nhân sự quản lý điều hành, chương trình tu học, cơ sở vật chất, khả năng phục vụ hậu cần (điện nước, ẩm thực, y tế, chăn màng, chiếu gối…). Hãy trung thực và chọn khóa tu phù hợp với khả năng của mình để tổ chức được thành công.
Tùy theo tính chất khóa tu mà ta chọn lập thủ tục như thế nào; nếu là ngày tu thông lệ đã được đăng ký hàng năm thì không phải thêm thủ tục. Nhưng là khóa tu đông người và thời gian nhiều ngày thì mặc dù đã đăng ký hàng năm ta vẫn nên làm tờ trình đến cấp GHPG và chính quyền tại địa phương của mình để được quan tâm hỗ trợ.
Ngoài ra, những khóa tu bất thường hoặc tổ chức nơi điểm nhóm sinh hoạt, hay ngoài cơ sở tôn giáo thì ta phải tiến hành thủ tục theo qui định của pháp luật hiện hành (Bộ luật Tín ngưỡng Tôn giáo…).
Đây là bắt đầu cho khóa tu, để thuận lợi và thành công nên Ban tổ chức, ban thư ký cần chuẩn bị chu đáo triển khai phần việc của mình. Tuy vất vã nhưng rất mong luôn được sự thương cảm, ân cần hướng dẫn đầy đủ cho khóa sinh an tâm nhập chúng tu học. ( cần chuẩn bị biểu mẫu ghi lý lịch trích ngang, tình trạng sức khỏe trước khi đến dự khóa tu, kèm số điện thoại, phát thẻ đeo, bảng nội qui và chương trình tu học, những thông tin và số điện thoại khi cần liên lạc với Ban tổ chức…)
Ngày kết thúc khóa tu Ban tổ chức cần có đánh giá kết quả rút kinh nghiệm, ban đạo từ, khen thưởng tiêu biểu cho các cộng sự và hành giả(tu sinh), đồng thời thông báo thời gian-nội dung cho khóa tu tiếp theo.
Tổ chức khóa tu dành cho cư sĩ phật tử có thể xem là việc thực hiện hạnh nguyện truyền bá chánh tín đến cư sĩ phật tử và mọi người của người xuất gia đệ tử phật, không vì danh, không vì lợi cho tự thân. Sự kiện này cần quan tâm đến 4 yếu tố “Khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ”; ban tổ chức cần khéo léo chọn khóa tu và chương trình tu học phù hợp với đối tượng tham dự và năng lực tổ chức của mình. Sự chuẩn bị cần có kịch bản chi tiết cho 3 giai đoạn: trước khóa tu, suốt thời gian diễn ra khóa tu và kết thúc khóa tu. Phương tiện phục vụ hoằng pháp cần bắt kịp thời đại mới để đạt kết quả tốt nhất cho khóa tu.
Nếu là khóa tu truyền thống thì cần có sự thăng hoa hơn, phù hợp với điều kiện mới; nếu được thì chúng ta mạnh dạn thành lập những đạo tràng tu học phù hợp với các giới trong cộng đồng xã hội trên nền tảng kho tàng giáo lý Phật Đà. Hãy đưa chánh pháp thiết thực mọi người đến để nghiệm chứng, chánh pháp khuyến thiện và hướng thượng đến mọi người! Hãy truyền bá chánh pháp Từ bi – Trí Tuệ của Phật Đà phổ tế chúng sanh!
Hãy giúp người cư sĩ phật tử “Học để tu – Tu để được;
Học để hiểu – Tu để thương”!
NAM MÔ THƯỜNG HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT.
[1] Hủy hình thủ chí tiết, cát ái từ sở thân, xuất gia hoằng Thánh đạo, thệ độ nhất thiết nhân.
[2] Thí dụ Khóa tu niệm Phật thì thỉnh giảng sư chuyên về niệm Phật, Khóa tu thiền thì thỉnh GS dạy thiền.
[3] Nên tham khảo “8 điều kiện tổ chức khóa tu Phật thất. Thượng tọa Thích Chân Tính.
[4] HT Bảo Nghiêm,Thượng tọa Nhựt Từ, thượng tọa Phước Tiến có nhiều tâm huyết và kinh nghiệm tổ chức…
[5] Phật tử đã quy y và người có niềm tin tìm hiểu Phật pháp chưa được tổ chức lễ quy y.
[6] Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ đã nói “Những gì tôi phục vụ cho Đạo pháp tức là phục vụ cho Dân tộc…”
Đánh giá