Xuất thân trong một gia đình Bà La Môn tại xứ Ma Kiệt Đà, từ nhỏ, Ngài Đại Ca Diếp đã có phước tướng đầy đủ, tư chất thông minh, không ham thích các lạc thú ở đời. Khác hẳn những người bạn cùng trang lứa, Ngài thường tỏ ra nhàm chán, thích xa đám đông và ở riêng một mình.
Cha mẹ bằng mọi cách ép Ngài Ca Diếp phải cưới vợ. Mặc dù không thích cảnh cuộc sống vợ chồng, thú vui ngũ dục, nhưng vì để vừa lòng cha mẹ, Tôn giả Đại Ca Diếp đã đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe và tạo ra bức chân dung một người phụ nữ thật đẹp để làm khó cha mẹ. Nhưng không ngờ với bức tượng đó, cha mẹ Ngài đã tìm được cô gái tên Bạt Đà và buộc Ngài phải thành thân.
Nhưng một điều trùng hợp lạ lùng là nàng Bạt Đà cũng không muốn lấy chồng. Nàng chỉ ước ao được xuất gia, sống đời sống phạm hạnh của một nữ đạo sĩ. Vì chung chí nguyện tu phạm hạnh nên tuy mang danh nghĩa là vợ chồng nhưng hai người đều thúc liễm thân tâm, không xúc nhiễm với nhau.
Nếu Ngài Đại Ca Diếp nằm ngủ, thì nàng Bạt Đà đi kinh hành và ngược lại. Cứ như vậy trải qua nhiều năm, hai người sống với nhau như hai người bạn, trong sạch, không chút ái luyến, không chút vẩn đục.
Tôn giả Đại Ca Diếp - Đệ Nhất Đầu Đà
Khi cha mẹ mất, Ngài Đại Ca Diếp tạm biệt Bạt Đà lên đường tìm thầy học đạo và hứa sau khi tìm được bậc minh sư sẽ về đón Bạt Đà để cùng tu. Ngài Đại Ca Diếp đi nhiều nơi, học qua nhiều thầy nhưng vẫn chưa tìm được thầy ưng ý. Cho tới một hôm, Ngài nghe có người mách Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni mới thực sự là bậc đại giác ngộ hiện thời.
Ban đầu, Ngài Đại Ca Diếp không đến gặp Đức Phật ngay mà chỉ đi theo những người ngộ đạo đến nghe giảng để dò xem có thật Đức Phật có thật là một vị thầy giỏi như lời đồn hay không.
Một hôm, sau khi nghe giảng về, giữa đường, Ngài Đại Ca Diếp nhìn thấy Đức Phật Thích Ca ngồi dưới một tán cây cổ thụ. Tự nhiên, Ngài thấy có một sức hút kỳ lạ, vội quỳ xuống xin bái Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni làm thầy. Đức Phật Thích Ca lúc này mới nói:
“Như Lai nghe nói về ông đã lâu. Như Lai biết rằng, rồi đây thế nào ông cũng đến đây xin theo Như Lai tu học, và hôm nay chính là ngày ông được mãn nguyện. Sự lưu truyền Phật Pháp trong tương lai sẽ cần tới ông rất nhiều”.
Sau bảy ngày đến ngày thứ tám từ khi gia nhập đạo Phật, Ngài Ca Diếp chứng đắc quả A La Hán; từ đó về sau, Ngài tu theo lối khổ hạnh đầu đà với danh là đệ nhất đầu đà. Khi ấy, nhớ lại lời hứa thuở xưa với Bạt Đà, Ngài đã nhập định, dùng thiên nhãn thì thấy rằng Bạt Đà đang xuất gia tu học với ngoại đạo. Vì thế nên Ngài đã bảo Tỳ-kheo-ni đắc thần thông đến giáo hóa để Bạt Đà quay về quy y Đức Phật. Không lâu sau, Bạt Đà chứng A La Hán thần thông bậc nhất bên Ni chúng và được Đức Phật thọ ký.
Với lòng quy kính Đức Thế Tôn và mong nguyện hoằng truyền giáo Pháp, sau khi Đức Phật nhập diệt, Tôn giả Đại Ca Diếp đã mở đại hội kết tập kinh điển.
Nhờ đó mà lời Đức Phật dạy đã được kết tập thành hệ thống và được chính thức lưu truyền dưới các hình thức truyền tụng, ghi chép thành kinh văn trên lá, giấy… cho đến ngày nay.
Cuối cùng, vào năm 496 TCN, Ngài Đại Ca Diếp nhập Niết bàn, khi ấy Ngài 120 tuổi.
Ngài Ma Ha Ca Diếp thường hành hạnh nguyện từ bi, đem phước điền đến cho chúng sinh. Ngài không khất thực nhà giàu có, chỉ khất thực những nhà nghèo. Bởi Ngài biết rằng, những người nghèo khổ là người thiếu phước báu. Ngài khất thực để cho họ được gieo trồng phước và họ có phước thoát khỏi cảnh khổ đau. Trước khi đi khất thực Ngài thường nhập định xem: “Ta nên gieo phước cho người nghèo nào”.
Một ngày nọ, trên đường vào thành Vương Xá, Ngài thấy một bà lão đơn côi, nghèo khổ tá túc trong hang phân dơ bẩn, bên cạnh đống rác. Thân thể gầy gò, ốm đau tật bệnh. Cuộc sống bà lão lẻ loi bấp bênh, bữa đói bữa no, che đậy thân thể bằng mảnh cót tre nhỏ. Nhờ nhập định, Ngài Ca Diếp biết người này kiếp trước không tạo phước lành nên kiếp này phải chịu nghèo khổ. Và biết được mạng sống bà lão sắp hết, Ngài nghĩ: “Nếu ta không độ thì bà lão mãi mãi mất phước”.
Trong lúc này, bà lão đang đói cồn cào thì có một người đầy tớ của trưởng giả mang nước cơm đi đổ, mùi hôi khó chịu. Bà lão lân la lại xin phần nước cơm ấy, liền lấy cái bát bể làm đôi đựng đầy cả hai. Tôn giả chậm rãi đến gần, đưa bình bát về phía bà lão để xin đồ ăn và nói:
– Hãy cho tôi một ít thức ăn, sẽ được phước lớn.
Sau một hồi trò chuyện với Ngài Đại Ca Diếp, bà lão vui mừng nhưng nghĩ thầm: “Cả ngày nay, ta chỉ xin được một ít nước cơm có mùi, muốn bố thí nhưng nước cơm không thể uống được”. Cho nên mới thưa với Ngài Ca Diếp:
– Ngài vui lòng nhận cho tôi không?Ngài Ma Ha Ca Diếp đáp:
– Lành thay! Lành thay!
Bà lão liền từ trong hang, lom khom lấy tô nước cơm và thành tâm dâng cúng vào bình bát của Ngài. Ngài Ca Diếp nhận cúng dường rồi chú nguyện cho bà lão được phước báo và an lành. Để bà lão không khởi lòng nghi ngờ và đầy đủ sự bình an, Ngài đã uống hết bát nước cơm và thị hiện thần thông ngay trước mặt bà lão. Trước việc làm cao quý của Ngài, bà lão vui mừng khôn xiết. Cũng nhờ phước báu thù thắng này, sau khi mạng chung, thần thức của bà lão được tái sinh lên cõi Trời, sống trong cảnh giới an vui, hạnh phúc.
Tôn giả Đại Ca Diếp độ bà lão nghèo
Phẩm hạnh đầu đà cùng lòng từ bi hóa độ chúng sinh của Tôn giả Đại Ca Diếp đã giúp hàng hậu thế thấy được phẩm hạnh cao quý của người xuất gia - những bậc đang đi trên con đường ly tham, ly sân, ly si; các Ngài xứng đáng là bậc Thầy mô phạm, là nơi nương tựa của Trời, người và tất cả chúng sinh.
Đức Phật dạy: “Nếu hạnh đầu đà này được ở đời thì Pháp của Ta cũng sẽ được lâu dài ở đời”, vì vậy việc thực hành hạnh đầu đà làm lợi ích cho nhân sinh cũng chính là giữ gìn mạng mạch Phật Pháp được trường tồn lâu dài.
Mong rằng qua những câu chuyện về cuộc đời và hạnh nguyện độ sinh cao quý của Tôn giả Đại Ca Diếp, quý Phật tử khởi được tâm tri ân tới Ngài; từ đó, phát nguyện tinh tấn tu tập, nguyện nhiều đời nhiều kiếp được thực hành hạnh đầu đà để mang lợi ích cho mình và cho đời.
Trích chùa Ba Vàng
Đánh giá