Hơn 2500 năm trước, Đức Phật đã đề cập đến bản chất của truyền thông là sự chân thật. Cũng từ đó, công tác truyền thông được phát triển bằng nhiều hình thức khác nhau qua mỗi giai đoạn, nhằm mục đích mang đến cho mọi người nhận thức đúng đắn về những lời chỉ dạy của Đức Phật.
Đồng thời hướng dẫn Tăng Ni và Phật tử sống đúng chánh pháp, hướng đến giác ngộ và giải thoát. Vì vậy, sứ mạng của truyền thông Phật giáo là mang đến cho công chúng những thông điệp về niềm tin và thực hành theo giáo lý Phật giáo, giá trị của Phật giáo, cũng như thông tin về cộng đồng Phật giáo.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam vinh dự nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất năm 2016
Hoằng pháp lợi sinh là mục tiêu trong các hoạt động Phật sự, xiển dương (phát triển) giáo lý nhà Phật, giúp chúng sinh vững bước trên đường giác ngộ, gieo duyên lành với chúng sinh. Đây cũng chính là tâm nguyện của đức Phật với mong muốn đem đạo vào đời. Ngài khuyên các hàng đệ tử: “hãy cất bước du hành vì lợi ích của nhiều người, vì an lạc của nhiều người, vì lòng thương xót thế gian, vì sự tiến hóa, sự lợi ích, sự an vui của chư Thiên và nhân loại, chớ đi hai người chung một (đường).” Sự nghiệp hoằng pháp phải triển khai một cách thích hợp để mọi người có thể nắm bắt được ý nghĩa, áp dụng thực hành trong đời sống bằng cách giảng giải về phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ.
Hoằng pháp không chỉ giới hạn trong việc truyền bá giáo lý của nhà Phật mà còn là làm sao để giáo lý ấy được đông đảo tín chúng thực hành, hướng thượng, hướng thiện, nếm trải pháp vị. Hoằng pháp cũng không tách rời với thời cuộc, vì truyền thống Phật giáo Việt Nam tồn tại và song hành cùng dân tộc đã hàng nghìn năm qua. Trong ý nghĩa ấy, hoằng pháp phải lan tỏa và lan tỏa bằng truyền thông như là một trong những phương tiện thiện xảo trong thời đại mới.
Mối quan hệ chặt chẽ giữa truyền thông và hoằng pháp hình thành ngay từ thời đức Phật còn tại thế. Truyền thông khiến quá trình hoằng pháp trở nên đa dạng và sáng tạo. Hoằng pháp của Phật giáo trong thời hiện tại đã phát huy tối đa sức mạnh của truyền thông. Truyền thông số hiện giúp các buổi thuyết giảng được chia sẻ rộng rãi và lan truyền nhanh chóng. Nhờ đó, tư tưởng Phật giáo lan tỏa đến được nhiều vùng chưa có dấu chân tăng, ni trực tiếp hoằng hóa. Hoằng pháp giúp gia tăng sự hiểu biết về tư tưởng, giáo lý Phật giáo, giá trị ứng dụng của các phương pháp tu tập Phật giáo vào đời sống hàng ngày; đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện đại nhiều áp lực như hiện nay, sẽ thu hút ngày càng nhiều người đến với Phật pháp. Với sự hỗ trợ của truyền thông, pháp hội tổ chức ở một nơi nhưng phật tử nhiều nơi có thể tham dự, dù bất cứ khi nào cần nghe giảng cũng đều có thể. Nhờ đó nhân duyên Phật pháp được gieo rộng khắp.
Hiện nay, hệ thống truyền thông Phật giáo ở nước ta có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc truyền bá tư tưởng đạo Phật đến với công chúng. Có thể kể đến kênh Truyền hình An Viên, Báo Giác ngộ, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, Tạp chí Nghiên cứu Phật học… Các website, trang tin điện tử cùng hệ thống ấn phẩm băng đĩa đồ sộ được xuất bản có nội dung phong phú và hình thức đa dạng. Trên các trang báo điện tử Phật giáo đều có đề mục kinh, luật, luận. Mỗi trang đều có những tựa kinh khác nhau, thậm chí có phần lý giải kinh, luật, luận giúp cho tín đồ Phật giáo dễ hiểu hơn.
Phật giáo cũng như các tôn giáo khác, luôn đề cao giá trị đạo đức, nhân văn. Giáo lý Phật giáo hướng tới xây dựng con người trở nên lương thiện, có nhân cách tốt, góp phần xây dựng, phát triển xã hội ổn định, hài hòa. Phát huy giá trị đạo đức Phật giáo cũng là một hình thức phát huy các giá trị đạo đức xã hội. Đối với người phật tử và những người có niềm tin theo Phật giáo, nếu tuân thủ các chuẩn mực đạo đức theo Phật giáo; điều này sẽ hỗ trợ họ đạt tới đời sống an lạc, hạnh phúc chân chính.
Là một trong những hệ tư tưởng điển hình trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam, tinh thần Phật giáo in đậm, tạo nên một sắc thái riêng trong các lĩnh vực văn hóa dân gian, văn học nghệ thuật, văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp, văn hóa ẩm thực, văn hóa kinh doanh... Hầu hết các hoạt động phật sự đều xuất phát từ lợi ích dân tộc, Tổ quốc và cuộc sống nhân sinh. Lịch sử đã chứng minh, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, góp phần vào chấn hưng đất nước, an sinh, đấu tranh vì hòa bình thịnh vượng...
Truyền thông Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong việc duy tu, tôn tạo các di tích, di sản văn hóa ở nước ta, cũng như phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nhân văn của dân tộc Việt Nam. Nhiều ngôi cổ tự đã được chính quyền và Phật tử, nhà hảo tâm gần xa góp nhân tài vật lực để tôn tạo, trùng tu. Nhiều nghi lễ Phật giáo được kịp thời bảo tồn, duy trì. Có thể kể đến những thông tin bảo tồn giá trị đặc sắc quần thể di tích chùa Bổ Đà, danh thắng Hương Sơn, chùa Keo, chùa Dâu, chùa Phật Tích, Tổ đình Vĩnh Nghiêm,… trên các website thông tin của Giáo hội. Nhờ vào hệ thống internet có thể lưu trữ và giới thiệu rộng rãi đến quần chúng nhân dân các giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội qua các hiện vật còn được bảo tồn tại các cơ sở thông qua hình ảnh, số liệu lưu trữ.
Trong xã hội hiện đại, khi những xung đột sắc tộc, tôn giáo diễn ra ở nhiều nơi trên trên thế giới thì triết lý và thực hành mô hình cộng đồng sống hòa hợp, đoàn kết của Phật giáo Việt Nam được coi là điền hình, vì điều đó mong muốn và hướng con người tới cuộc sống tốt đẹp, yêu thương, gắn bó, chung sống hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, phật tử trong và ngoài nước có điều kiện tương tác thường xuyên. Qua đó, mạng lưới phật tử được mở rộng, hình thành nhiều loại hình cộng đồng phật tử. Kết nối cộng đồng phật tử từ nhóm nhỏ đến nhóm lớn trở nên bền chặt và gắn bó hơn nhờ sự chia sẻ thông tin và tương tác thường xuyên qua hệ thống mạng internet.
Phật tử Việt Nam nhờ truyền thông số mà có sự hội nhập với cộng đồng phật tử Việt Nam tại hải ngoại và cộng đồng phật tử thế giới. Các buổi giảng của các giảng sư tại hải ngoại là phương thức kết nối phật tử trong nước và ngoài nước tốt nhất. Nhờ vào sự truyền tải thông tin của công nghệ số mà hoạt động Phật sự trong nước được giới thiệu ra nước ngoài. Một số phật tử ở nước ngoài đã theo dõi và ủng hộ cả vật chất và tinh thần cho hoạt động trong nước. Cộng đồng phật tử xuyên quốc gia với sự tham gia của phật tử khắp năm châu đã xuất hiện và ngày càng trở nên phổ biến.
Trong bối cảnh hội nhập, thế giới liên tục biến đổi, truyền thông là lĩnh vực có nhiều đổi thay nhất; tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị, quân sự… Với xu thế toàn cầu hóa, hiệu quả tác động của báo chí truyền thông đã và đang được toàn thế giới quan tâm, bởi nó ảnh hưởng đến các mặt đời sống xã hội, đến lợi ích của từng quốc gia và mỗi công dân. Trước tình hình phát triển chung ấy, Phật giáo Việt Nam cũng không ngoại lệ, cần hội nhập để tiếp thu các giá trị của thời đại và phát huy vai trò của truyền thông Phật giáo trong việc thông tin, phản ánh hoạt động Phật giáo trong và ngoài nước.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Thanh Cao (2017), “Vấn đề quản lý phát triển báo chí về Phật giáo ở Việt Nam”, Tạp chí Người làm báo, Hà Nội.
2. Thích Nữ Minh Đạt (2021), “Phật giáo và truyền thông”, Tạp chí nghiên cứu Phật học, Hà Nội.
3. Thích Minh Nhẫn (2021),“Vai trò của truyền thông Phật giáo trong việc thông tin, phản ánh hoạt động, của Phật giáo trong và ngoài nước”, Tạp chí Văn hoá Phật giáo, Tp. Hồ Chí Minh.
Đánh giá