Nhà triết học phương Tây từng nói: “Có thể nói thêm được những gì thì đã không phải là Thượng đế”. Để nói rốt ráo về ý nghĩa Bồ-tát Quán Thế Âm, tôi nghĩ rằng câu nhận định trên cũng có thể phù hợp cho cách nhìn về ngài. Hay nói cách khác, Bồ-tát Quán Thế Âm mà chúng ta có thể thuyết minh được thì đã không phải là Bồ-tát Quán Thế Âm chân thực rồi. Nghĩa là, dùng ngôn ngữ không hoàn hảo và những khái niệm ô nhiễm của chúng sinh để trình bày thêm cho Bồ-tát Quán Thế Âm thì Bồ-tát Quán Thế Âm qua ngôn từ ấy chẳng còn đúng như thật với bản thể của ngài. Thế nhưng, nếu không trình bày thêm được điều gì nữa mà lại buông xuôi thì chúng ta sẽ mãi mãi không bao giờ hiểu được ý nghĩa về Bồ-tát Quán Thế Âm. Do đó, mặc dù chỉ là một khái niệm, một danh từ không hoàn hảo nhưng nó không thể không đáng trân trọng, nên đành phải nói ra vậy.
Bất luận Đức Quán Âm được nhìn nhận là thần, là Phật, là chân lý thì hết thảy đều phải vay mượn ngôn từ để chứng nghiệm, cho nên cần phải chọn lựa hết mọi ngôn từ để nghiên cứu tường tận về ngọn nguồn Đức Quán Âm. Thí như lập kế hoạch leo lên bức vách cao vạn thước, hoặc ngọn núi thiêng đầy hiểm trở nhưng người chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng leo núi, chỉ có tinh thần phấn chấn, gạt bỏ mọi khó khăn, từng bước một leo thẳng, vượt qua tầm nhìn cõi tục, cầu sự ứng nghiệm nơi Đức Bồ-tát Quán Thế Âm, thì chẳng lẽ không được cảm ứng sao!
Quán Thế Âm là danh hiệu có nguồn gốc từ tiếng Phạn Avalokiteśvara, là thánh ngữ được dân tộc Āryan1 tại Ấn Độ thời cổ đại sử dụng và lưu truyền. Từ xưa đến nay thuật ngữ tiếng Phạn này được dịch âm thành nhiều danh hiệu, khái quát như sau:
1-A-phược-lô-chỉ-đê-thấp-phạt-la;
2- A-bà-lô-cát-đê-xá-bà-la;
3-A-phược-lô-chỉ-đê-y-thấp-phạt-la;
4- A-na-bà-lâu-cát-đê-thâu;
5- A-bà-lâu-cát-hỗ-thuế;
6- Bô-lô-yết-để-nhiếp-phạt-la;
7- Lô-lâu-hoàn2.
Trong bảy cách dịch âm nêu trên, ta thấy ở trước danh hiệu của 6 cách dịch âm đầu có thêm chữ A-lê-da (ārya, tức thánh ngữ); còn dịch thành A-lê-da (a) bô-lô-yết-để-nhiếp-phạt-la, thì trong ấy, da hàm nhiếp cả a, nên ở cách dịch này người ta loại bỏ đi A-lê-da.
Trong Đại bi tâm đà-la-ni cũng có câu: Nam-mô a-lê-da bà-lô-yết-đế-thước-bát-ra-da [namu ārya boryokichisiburaya, tức Quay về thể nhập thánh Quán Thế Âm].
Trong chữ da ấy cũng hàm nhiếp chữ a. Cách dịch âm thứ 7 thành A-lâu-hoàn, nếu xét về cách dịch âm của chữ Avalokiteśvara thì cách dịch này không trọn vẹn, nhìn vào chúng ta thấy đây chẳng phải là Cổ dịch, trở thành gợi ý cho việc “truyền dịch kinh điển Đại thừa”. Chẳng hạn, Chi-lâu-ca-sấm3 là dịch âm của từ Lokarakṣa, đã mang đến điều thú vị cho việc nhìn nhận, nghiên cứu từ một góc độ khác, đặc biệt rất được chú ý.
Như vậy, rốt cuộc Avalokiteśvara có ý nghĩa gì, mang nội dung gì, và dịch ý như thế nào? Thái Lang, Thứ Lang, Tam Lang… là tên gọi của những con người như chúng ta, chỉ là “nhã hiệu” (tên đẹp) mà thôi, chẳng mang ý nghĩa đặc biệt gì. Song, danh xưng của Phật, Bồ-tát thì chứa đựng “ý nghĩa thâm diệu về tự thân các ngài”. Do đó, danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm xưa nay có nhiều dị thuyết, người này lập luận, người kia bác bỏ, cho đến hôm nay còn chưa có được kết luận nào làm tiêu chuẩn. Sở dĩ ngài có danh xưng đa dạng như thế là do tích hợp nhiều quan điểm từ các lĩnh vực mang tính lịch sử, tính địa lý, nên đủ thấy duyên phận chúng sinh đặc biệt sâu dày.
Song, xét về cách dịch ý từ danh xưng tiếng Phạn này, cựu dịch là Quán Thế Âm, Quán Âm; tân dịch là Quán Tự Tại. Ngoài ra, còn có thể nêu ra các tên gọi khác như Khuy Âm, Quán Doãn, Quán Thế Tự Tại, Thế Tự Tại, Quán Thế Âm Tự Tại, Quang Thế Âm, thậm chí còn có danh hiệu là Hiện Âm Thanh… Thế nhưng, thuyết nào chính xác nhất thì cần phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là cách dịch Quán Âm, Khuy Âm, Quán Thế Âm, Quang Thế Âm, Hiện Âm Thanh, Quán Tự Tại, không những cần phải biết rõ về niên đại của dịch ngữ ấy và người phiên dịch, mà còn phải đọc lên thành tiếng xem những dịch ngữ kia có phù hợp với ngữ nguyên tiếng Phạn hay không.
Trước hết, dựa vào trình tự niên đại trong lịch sử để liệt kê từng cách gọi; ngoài thông lệ tuân theo cách dịch trước thời điểm ngài Huyền Tráng gọi là cựu dịch, nhưng ở đây quy định từ ngài La-thập trở về trước trong cựu dịch là cổ dịch, xin quý vị đặc biệt lưu ý cho.
Thích Hoằng Trí dịch
Giọng đọc Ngọc Hân
Đánh giá